Cây bắt ruồi - Dionaea

Venus flytrap (còn gọi là Venus's flytrap hoặc Venus' flytrap), Dionaea muscipula, là loại cây ăn thịt xuất xứ ở các vùng đất ngập nước cận nhiệt đới

Venus flytrap (còn gọi là Venus's flytrap hoặc Venus' flytrap), Dionaea muscipula, là loại cây ăn thịt xuất xứ ở các vùng đất ngập nước cận nhiệt đới ở vùng ven biển phía Đông Hoa Kỳ, Bắc Carolina và Nam Carolina. Con mồi chủ yếu của nó là côn trùng và nhện, với cấu trúc bẫy được hình thành từ phần cuối của mỗi chiếc lá và được kích hoạt bởi các sợi lông nhỏ trên bề mặt bên trong của bẫy. Khi côn trùng hoặc nhện bò vào và chạm phải một sợi lông cảm ứng, chiếc bẫy sẽ được đóng ngay sau đó nếu một sợi lông khác cũng được kích thích trong vòng 20 giây sau lần chạm đầu tiên. Việc yêu cầu kích thích hai lần trong cơ chế bắt mồi như vậy nhằm mục đích chống lãng phí năng lượng khi bắt phải những vật thể không có giá trị dinh dưỡng.

Dionaea là một chi đơn loài có họ hàng gần gũi với loài cây bánh xe nước (Aldrovanda vesiculosa) và gọng vó (chi Drosera), tất cả đều thuộc họ gọng vó (Droseraceae).

Venus flytrap là một loại cây nhỏ có cấu trúc hoa thị gồm 4-7 lá, phát sinh từ thân ngầm ngắn mà thực ra là một cấu trúc có hình dạng thân củ. Mỗi thân đạt đến kích thước tối đa khoảng 3-10 cm, tùy thuộc vào thời điểm trong năm; những chiếc lá dài với bẫy mạnh mẽ hơn thường mọc sau khi cây ra hoa. Những cây Flytrap có hơn 7 lá thật ra là một khóm cây được hình thành những gốc đã phân chia bên dưới mặt đất.

Phiến lá được chia thành hai phần: cuống lá dẹt, rìa hình trái tim, có khả năng quang hợp và phần cuối phiến lá là hai thuỳ đính với nhau thành bản lề ở gân giữa, tạo nên phần bẫy kẹp chính là lá thật. Bề mặt trên của các thùy chứa sắc tố đỏ anthocyanin và tiết ra chất nhầy ở phần rìa của thuỳ. Hai thuỳ lá với khả năng chuyển động nhanh sẽ đóng lại ngay lập tức khi bị kích thích bởi con mồi. Cơ chế bắt mồi được khởi động khi con mồi kích thích một trong ba lông gai cảm ứng ở mặt trên của mỗi thùy. Cơ chế này có tính chuyên biệt cao đến mức có thể phân biệt được giữa kích thích do con mồi gây ra và cả những thứ không phải con mồi, chẳng hạn như giọt mưa rơi; hai lông gai cảm ứng phải được kích thích liên tiếp nhau trong vòng 20 giây hoặc một lông gai được chạm hai lần trong một thời gian ngắn, khi đó các thùy của bẫy sẽ đóng lại, thường trong khoảng 1/10 giây. Phần rìa của hai thùy được bao quanh bởi những sợi tủa ra dài, cứng, có hình dạng giống sợi tóc hay lông mi, đan lại với nhau và ngăn các con mồi lớn thoát ra. Những sợi tủa ra ở mép bẫy và các lông gai kích hoạt (còn được gọi là lông cảm ứng) có thể tương đồng với các xúc tu được tìm thấy ở cây gọng vó, họ hàng với Venus flytrap. Các nhà khoa học đã kết luận rằng bẫy kẹp đã được tiến hoá từ một loại bẫy keo dính tương tự như bẫy bắt mồi của chi Drosera.

Các kẽ hở giữa hai thuỳ khi khép lại cho phép các con mồi nhỏ thoát ra, có lẽ vì lợi ích thu lại được từ các con mồi này ít hơn so với việc hao tốn năng lượng để tiêu hóa chúng. Khi con mồi có kích thươc quá nhỏ và thoát ra được, cái bẫy thường sẽ mở lại trong vòng 12 giờ. Nếu con mồi cử động bên trong bẫy kẹp sẽ làm bẫy siết chặt lại và quá trình tiêu hóa được bắt đầu nhanh chóng hơn.

Tốc độ đóng bẫy lại có thể khác nhau tùy thuộc vào độ ẩm, ánh sáng, kích thước của con mồi, và các điều kiện phát triển nói chung. Tốc độ khép bẫy có thể được sử dụng như là một chỉ đo lường sức khỏe của loài cây này. Venus flytraps không lệ thuộc nhiều vào độ ẩm như một số cây ăn thịt khác, chẳng hạn như Nepenthes, Cephalotus, hầu hết các loài trong chi Heliamphora, và một số loài Drosera.

Venus flytrap có nhiều biến thể khác nhau về hình dạng cuống lá, chiều dài lá và các lá có thể nằm ngang trên mặt đất hoặc vươn lên một góc khoảng 40-60 độ. Bốn biến thể chính là: 'typica', phổ biến nhất, với cuống lá rộng, nằm sát mặt đất; 'Erecta', với những chiếc lá vươn lên một góc 45 độ; 'Linearis', với cuống lá hẹp, 45 độ; và 'filiformis', với cuống lá rất hẹp hoặc hình đường thẳng. Ngoại trừ 'filiformis', tất cả các biến thể có thể được tạo ra trong các giai đoạn phát triển của bất kỳ cây venus flytrap nào tùy theo mùa (nằm ngang vào mùa hè so với vươn 45 độ vào mùa xuân), chiều dài của chu kỳ sáng (cuống lá dài vào mùa xuân, cuống ngắn vào mùa hè), và cường độ ánh sáng (cuống lá rộng khi cường độ ánh sáng thấp và thu hẹp khi ánh sáng mạnh hơn).

Nguồn: caybatmoi.net


Trang Web Chia Sẻ Thông Tin Có Thể Bạn Chưa Biết Về Con Người, Thực Vật, Động Vật, Khoa Học, Thế Giới Tâm Linh, Phong Tục, Sức Khỏe.